Nam mộc hương neinhuisii (Aristolochia neinhuisii), một loài mới

Trong quá trình nghiên cứu tính đa dạng của chi Aristolochia L. (Aristolochiaceae), các nhà thực vật học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Sinh thái học miền Nam trực thuộc Viện Hàn lâm KHCNVN, và Viện Thực vật, ĐH Tổng hợp Dresden, CHLB Đức, đã phát hiện và mô tả 3 loài thực vật mới thuộc họ Mộc hương (Aristolochiaceae) ở Việt Nam: Aristolochia faviogonzalezii T. V. Do, S. Wanke & C. Neinhuis, Aristolochia tadungensis T. V. Do & T. H. Luu, Aristolochia tonkinensis T. V. Do & S.Wanke. Các nhà khoa học cũng ghi nhận bổ sung 3 loài: Aristolochia fangchi Y. C. Wu ex L. D. Chow & S. M. Hwang, Aristolochia hainanenis Merr., Aristolochia utriformis S. M. Hwang cho hệ thực vật Việt Nam. Tất cả loài mới và loài bổ sung đều thuộc phân chi Siphisia.

Kết quả nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí chuyên ngành Systematic Botany, 40(3): 671-691, 2015. Những phát hiện mới này đưa tổng số loài Aristolochia phân chi Siphisia được ghi nhận ở Việt Nam lên 12 loài, khẳng định vùng Nam Trung Hoa – Việt Nam là trung tâm đa dạng của phân chi này trong khu vực cổ nhiệt đới châu Á.

Aristolochia faviogonzalezii T. V. Do, S. Wanke & C. Neinhuis – Mộc hương Favio

Loài này có đặc điểm hình thái tương tự loài Aristolochia cathcartii Hook. f. từ vùng Hymalaya, nhưng có thể phân biệt bởi phiến lá hình trứng rộng đến hình tim, phần nửa trên của họng màu trắng được khảm rải rác những chấm màu tím sậm, phần nửa dưới họng màu hồng nhạt và nhẵn.

Mới ghi nhận được 2 quần thể trong khu vực vùng núi đá vôi gần nhà máy xi măng Bút Sơn trên địa phận 2 tỉnh Hà Nam và Ninh Bình. Cả 2 quần thể nằm ngoài khu vực rừng được bảo vệ và đang chịu sự tác động mạnh mẽ của con người. Vì vậy, tình trạng bảo tồn của loài này đang ở mức nguy cấp (EN).

Aristolochia tadungensis T. V. Do & T. H. Luu – Mộc hương Tà Đùng

Loài này có đặc điểm hình thái tương tự với loài Aristolochia hainanensis Merr. và Aristolochia xuanlienensis N.T.T Huong, B. H. Quang & J. S Ma, nhưng có thể phân biệt bởi ống phía trên hình phễu, thuôn dài, họng màu vàng được khảm nhiều chấm màu cam.

Loài này được tìm thấy trong một số Khu Bảo tồn Thiên nhiên (KBTTN) như KBTTN Tà Đùng (Rừng phòng hộ ở Đắk Nông) và Rừng phòng hộ Tà Nùng, Đà Lạt. Tuy nhiên, hầu hết các quần thể được ghi nhận với số lượng cá thể ít, nằm trong khu vực vùng đệm hoặc khu vực không được bảo vệ nghiêm ngặt. Vì vậy, loài này sẽ ở mức độ nguy cấp trong tương lai gần (VU).